Phần mềm & Dịch vụ SaaS

Zapier - Bắt đầu bằng việc tự hỗ trợ người dùng đầu tiên, không phải một sản phẩm hoàn hảo

Zapier là một công cụ giúp bạn kết nối các ứng dụng lại với nhau và tự động hóa các thao tác lặp lại, mà không cần biết lập trình. Ví dụ: bạn có thể tự động lưu email mới vào Google Sheet, gửi thông báo vào Slack khi có đơn hàng mới – tất cả chỉ bằng vài bước kéo-thả.

Tại sao bạn nên đọc câu chuyện của Zapier?

Nếu bạn đang có ý tưởng nhưng chưa biết bắt đầu từ đâu - không có đội ngũ hùng hậu, không ở trung tâm công nghệ, không có nhiều thời gian rảnh - Zapier sẽ cho bạn lối đi rất thực tế.

Họ không bắt đầu ở Silicon Valley (khu vực trung tâm công nghệ cao tại Mỹ), cũng không có CV khủng hay vòng gọi vốn rầm rộ. Nhóm sáng lập vẫn đi làm ban ngày, buổi tối tranh thủ phát triển sản phẩm và liên hệ những người dùng đầu tiên. Câu chuyện của họ là một ví dụ rõ ràng về cách bắt đầu từ những điều nhỏ nhất - nhưng đúng nhất.

  1. Hành trình xây dựng Zapier

Xuất phát từ một vấn đề thực sự trong công việc

Năm 2011, Wade Foster (marketer), Bryan Helmig (kỹ sư phần mềm) và Mike Knoop (sinh viên năm cuối) tham gia cuộc thi Columbia Startup Weekend. Không ai trong nhóm đến từ các trường top, cũng chưa từng khởi nghiệp trước đó, nhưng họ đều từng vật lộn khi phải kết nối các ứng dụng như Gmail, Salesforce, Mailchimp cho khách hàng, mà không có cách nào đơn giản nếu bạn không biết lập trình.

Họ nhận ra: rất nhiều người gặp phải vấn đề giống họ, đều cần tự động hóa công việc hằng ngày, nhưng không thể tự set up automation được.

Trong vòng 48 giờ, họ dựng lên bản demo đầu tiên: một công cụ cho phép kết nối các ứng dụng mà không cần viết code.

Không chờ sản phẩm hoàn chỉnh, Zapier đi tìm người dùng ngay

Sau cuộc thi, Zapier vẫn chỉ là một dự án nhỏ founder làm vào buổi tối. Thay vì xây thêm tính năng hay gọi vốn, họ lao ngay vào hành động: tìm người đang thực sự gặp vấn đề. Wade lên các diễn đàn hỗ trợ người dùng của Mailchimp, Dropbox, Evernote..., tìm những bài viết như “Có cách nào kết nối app A với app B không?” và trả lời: “Tôi đang làm một công cụ có thể giúp bạn. Bạn có muốn thử không?”.

Tự tay giúp từng người dùng đầu tiên

Với những ai phản hồi, Wade chủ động gọi Skype, hỏi rõ họ muốn kết nối app nào, và tự tay setup giúp họ, fix bug ngay khi có sự cố, thậm chí ngồi cùng user để xử lý từng phần một. Không có giao diện đẹp, không có hướng dẫn tự động. Chỉ có một người founder đang làm hết sức để giúp một người khác tiết kiệm thời gian. Chính từ những cuộc gọi đó, Zapier dần hiểu được: người dùng thật sự muốn gì, sẵn sàng chấp nhận điểm gì, và sản phẩm cần thay đổi thế nào để đáp ứng được điều đó.

Thu tiền ngay từ khi sản phẩm còn chưa hoàn chỉnh

Khác với nhiều startup miễn phí bản thử để “câu người dùng”, Zapier chọn cách ngược lại: Thu phí một lần để được sử dụng bản thử. Ban đầu là $100, rồi hạ dần xuống còn $5–10.

Lý do rất đơn giản, Wade cho rằng: Chúng tôi không muốn người dùng thử cho vui. Chúng tôi muốn họ thật sự thấy đây là vấn đề lớn và sẵn sàng đầu tư thời gian để giúp nhóm cải thiện.

Điều đó giúp họ có được một nhóm người dùng siêu chất lượng - không chỉ dùng sản phẩm thật sự mà còn sẵn sàng góp ý chi tiết. Những người này chính là nền tảng để nhóm xây dựng Zapier từng bước một.

II. Học hỏi từ quá trình kiểm chứng ý tưởng của Zapier

1. Tìm đúng người - không đoán mò thị trường

Zapier không khảo sát đại trà. Họ vào thẳng các forum nơi người dùng đang hỏi cách kết nối app. Thấy người thật, nhu cầu thật – họ đề xuất ngay: “Để tôi làm thử giúp bạn nhé.”

→ Không cần số đông, chỉ cần đúng người đang thực sự cần.

2. Làm đúng lúc - học hỏi ngay lập tức

Zapier không chờ người dùng tự mày mò hay chờ sản phẩm hoàn chỉnh mới tung ra thị trường. Họ tự tay cài đặt từng luồng tự động cho từng khách hàng đầu tiên, sửa lỗi và hỗ trợ từng chi tiết một như "khách VIP". Nhờ vậy, Zapier hiểu sâu về sản phẩm và khách hàng hơn bất kỳ survey nào.

→ Đây chính là do things that don’t scale - founders tự đi tìm người dùng, tự giải quyết từng vấn đề - để xây mối quan hệ bền vững và hiểu đúng nhu cầu ngay từ đầu.

3. Sàng lọc qua trả phí - ít nhưng chất lượng

Zapier không thu thập feedback từ những người “dùng thử cho vui”. Họ thu một khoản nhỏ để xác định ai thật sự quan tâm. Những người sẵn sàng trả là người sẵn sàng góp ý, và giúp cải thiện sản phẩm.

→ Ít người cũng không sao - miễn là đúng người, đúng nhu cầu, đúng kỳ vọng.

III. Chu kỳ kiểm chứng ý tưởng dành cho bạn

Sau khi đọc case study về Zapier, bạn có nghĩ đến việc kiểm chứng ý tưởng sản phẩm của mình?

Bạn có muốn xác định tính thực tế dự án của mình không?

Mình muốn xác định ngay

© Copyright 2024, All Rights Reserved by UpYouth Social Company